Ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, nhằm thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Dự thảo nhấn mạnh việc chỉ quy định một số cơ chế cần thiết, bổ sung các cơ chế đã thí điểm tại các địa phương khác và kế thừa các cơ chế đã được Quốc hội phê duyệt. Các chính sách được đề xuất chia thành 6 nhóm lớn với 41 chính sách cụ thể, bao gồm quản lý đầu tư, tài chính, ngân sách, quy hoạch, khoa học công nghệ, thu nhập cán bộ, công chức và thành lập Khu Thương mại tự do.
Về thành lập Khu Thương mại tự do tại Hải Phòng, dự thảo đề xuất khu vực này sẽ thí điểm các cơ chế vượt trội nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ và nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển công nghiệp, nghiên cứu và phát triển (R&D). Các khu chức năng trong Khu Thương mại tự do sẽ bao gồm khu sản xuất, cảng, logistics, và khu thương mại - dịch vụ.
Thành lập Khu thương mại tự do nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao và các ngành dịch vụ chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Để thực hiện thí điểm, UBND thành phố sẽ có thẩm quyền quyết định thành lập, mở rộng và điều chỉnh ranh giới khu này, tương tự như khu công nghiệp.
Dự thảo cũng quy định các chính sách ưu đãi đặc thù về thủ tục hành chính, thuế, đất đai và đầu tư. Ban quản lý khu sẽ thực hiện cơ chế “một cửa” để rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính. Các ưu đãi về thuế sẽ tương tự như các khu kinh tế, nhưng thời gian áp dụng dài hơn.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tán thành đề xuất thành lập Khu thương mại tự do, nhưng yêu cầu làm rõ tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, an ninh quốc gia và quản lý rủi ro. Cần đảm bảo minh bạch và cụ thể trong quy trình thủ tục hành chính, kiểm soát hoạt động chuyển khẩu hàng hóa và quản lý ngoại tệ để phòng ngừa các rủi ro tài chính.
Nhĩ Anh - VnEconomy