Số liệu sơ bộ từ Chính phủ Nhật Bản công bố mới đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ tư thế giới lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm trong một năm qua, với GDP quý I/2025 giảm 0,2% so với quý trước đó, nguyên nhân chính là do xuất khẩu giảm sâu. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức dự báo giảm 0,1% được giới chuyên gia kinh tế trong khảo sát của Reuters kỳ vọng trước đó.
Khi tính theo tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm (annualized rate), nền kinh tế Nhật Bản sụt giảm 0,7%, vượt mức giảm 0,2% dự báo, phản ánh rõ nét những áp lực kéo giảm từ hoạt động thương mại toàn cầu, đặc biệt là xuất khẩu.
Cụ thể, xuất khẩu - động lực quan trọng của nền kinh tế Nhật đã ghi nhận giảm 0,6% so với quý trước, kéo giảm 0,8 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Sự sụt giảm này phản ánh tác động tiêu cực từ các chính sách thuế quan và căng thẳng thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, làm gia tăng sự bất định và ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu của nước này.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, GDP của Nhật Bản vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 1,7% - mức tăng mạnh nhất kể từ quý I/2023 và cao hơn mức tăng 1,3% của quý 4/2024.
Những số liệu này được công bố trong bối cảnh Nhật Bản đang trong quá trình đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, tuy nhiên các cuộc đối thoại ban đầu vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể.
Trước đó, ngày 13/5, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chững lại trong thời gian tới, do tác động từ các chính sách thương mại toàn cầu. BOJ lưu ý rằng “Các cú sốc về cầu tiêu cực đang hiện hữu, bao gồm sự gia tăng bất định làm giảm đầu tư cố định doanh nghiệp và tiêu dùng hộ gia đình, sụt giảm khối lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ cùng với sự suy giảm biên lợi nhuận xuất khẩu”.
Dù đối mặt với các rủi ro tăng trưởng, BOJ vẫn duy trì lập trường thắt chặt dần chính sách tiền tệ. Một số thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ cho rằng mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương nhiều khả năng sẽ đạt được, và việc nâng lãi suất điều hành sẽ tiếp tục nếu triển vọng kinh tế và giá cả diễn tiến theo kỳ vọng.
Lạm phát tại Nhật Bản đã duy trì trên mức mục tiêu 2% trong ba năm liên tiếp, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 vừa qua ghi nhận mức tăng 3,6%.
Tuy nhiên, một số thành viên khác trong Ủy ban cũng cảnh báo về tính bất ổn trong dự báo kinh tế và đề xuất BOJ cần duy trì sự linh hoạt, “đánh giá khả năng xảy ra các biến động ngược chiều trong triển vọng và điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp”.
Trong kỳ họp ngày 1/5 vừa qua, BOJ đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 0,5% trong cuộc họp thứ hai liên tiếp, thể hiện quan điểm thận trọng trước bối cảnh kinh tế đầy biến động.
Theo CNBC