1. Tài chính hành vi là gì?
Tài chính hành vi (Behavioral Finance) là một lĩnh vực nghiên cứu về những thiên hướng sai lệch trong suy nghĩ, ảnh hưởng đến hành động trong việc quản lý và đầu tư.
Những ảnh hưởng và sai lệch này có thể giải thích cho các tình huống bất thường trên thị trường, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán như khi giá cổ phiếu tăng hoặc giảm mạnh mà không có lý do.
2. Hành vi của nhà đầu tư được tiếp cận dựa trên những yếu tố nào?
- Kinh nghiệm: 3 phương pháp của việc ra quyết định dựa trên kinh nghiệm
+ Phương pháp dựa vào tình huống điển hình: Nhà đầu tư đưa ra đánh giá về tình huống của mình dựa trên những tình huống mẫu tương tự đã xảy ra.
+ Phương pháp dựa vào tính sẵn có: Nhà đầu tư dựa vào những thông tin sẵn có trên thị trường mà mình thu thập được để đưa ra những quyết định đầu tư của mình.
+ Phương pháp dựa vào các thông tin tham chiếu để đưa ra điều chỉnh: Nhà đầu tư sẽ dựa vào một số thông tin tham chiếu như biên độ, tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng... để làm điểm tham chiếu và có sự điều chỉnh xoay quanh điểm này để phù hợp với các thông tin sẵn có ở hiện tại.
- Sự lệch lạc về hành vi: các nguyên nhân chính cho sự lệch lạc về hành vi của nhà đầu tư
+ Do sự thiếu hiểu biết về mặt nhận thức dẫn đến nhà đầu tư quá tự tin khi đưa ra các quyết định. Nhà đầu tư khi quá tự tin thường sẽ không quan trọng việc đa dạng hóa danh mục vì họ cho rằng họ có khả năng dự đoán thị trường tốt. Vì thế mà dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các biến động của cổ phiếu cũng như thị trường nói chung.
+ Đầu tư dựa vào kinh nghiệm chứ không phải dựa trên sự phân tích một cách thấu đáo các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.
+ Đầu tư dựa trên yếu tố cảm xúc. Khi đầu tư, có những lúc nhà đầu tư tin rằng mình là một người khôn ngoan, thông minh. Đây là một sự tự tin cần thiết về mặt cảm xúc, nhưng đôi khi nó cũng mang đến không ít rủi ro, đặc biệt là tâm lý chủ quan. Điều này khiến họ thua lỗ, thậm chí là trắng tay.
+ Đầu tư dựa trên sự tương tác xã hội. Tương tác xã hội là một loại tương tác tương đối mạnh. Lý do là vì hầu hết con người đều rất hòa đồng và có một mong muốn tự nhiên là được chấp nhận bởi một nhóm người. Chính điều này giải thích lý do vì sao nhà đầu tư giao dịch trên thị trường lại hành động một cách phi lý trí và không có lợi cho chính bản thân họ.
- Tâm lý đám đông:
Đầu tư theo đám đông là một hành vi của một nhà đầu tư bắt chước hành động của các nhà đầu tư khác hoặc tuân theo các diễn biến của thị trường thay vì dựa trên nguồn thông tin và chiến lược đầu tư của chính họ. Trong điều kiện bình thường, nhà đầu tư thường bình tĩnh và sáng suốt nhưng có lúc lại bị áp đảo bởi những cảm xúc tiêu cực khi các nhà đầu tư khác hành động theo một cách phổ biến nào đó. Đặc biệt khi nhà đầu tư đứng trước áp lực phải đưa ra quyết định nhanh chóng mà không có đủ thông tin cần thiết. Tâm lý đám đông không hoàn toàn xấu trong mọi trường hợp nhưng việc nghiên cứu là hoàn toàn cần thiết.
3. Vận dụng lý thuyết tài chính hành vi để lý giải hành vi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam
- Loại hành vi thứ nhất: Dự đoán chỉ số chứng khoán VN-Index dựa theo thị trường thế giới. Hành vi này có thể giải thích bởi tâm lý đầu tư dựa trên điểm tựa. Nhà đầu tư cá nhân đã xem chỉ số chứng khoán thế giới là điểm tựa, điểm tham khảo để đưa ra dự đoán chỉ số chứng khoán tại Việt Nam.
- Loại hành vi thứ hai: Quyết định đầu tư dựa theo các nhà đầu tư chuyên nghiệp
Các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ có xu hướng đầu tư theo các nhà đầu tư chuyên nghiệp như nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức. Trong trường hợp này, nhà đầu tư cá nhân xem các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức như một tình huống điển hình, có khả năng đánh giá đúng về sự phát triển của thị trường.
- Loại hành vi thứ ba: Quyết định mua bán dựa trên thông tin được tiết lộ
Nhà đầu tư có xu hướng tin vào thông tin được truyền từ người thân, bạn bè,... hơn là thông tin từ các phương tiện truyền thông, vì họ tin rằng những thông tin đó cho họ một lợi thế hoặc một sự đảm bảo thành công.
- Loại hành vi thứ tư: Đầu tư không phân biệt cổ phiếu tốt, xấu
Hành vi này có thể giải thích bởi hành vi đầu tư dựa trên điểm tựa. Nó khiến nhà đầu tư nghĩ rằng giá của một cổ phiếu có xu hướng gắn chặt với sự thay đổi của các cổ phiếu khác mà không phân biệt được cổ phiếu tốt, xấu.
- Loại hành vi thứ năm: Thời gian nắm giữ cổ phiếu thua lỗ quá dài
Hành vi này có thể được giải thích bởi sự mâu thuẫn về mặt nhận thức. Sự mâu thuẫn này khiến nhà đầu tư cá nhân quyết định nắm giữ chứng khoán trong tình huống thua lỗ thay vì bán đi, vì họ không muốn thừa nhận rằng đó là một quyết định đầu tư sai lầm. Họ vẫn kỳ vọng trong tương lai mọi thứ có thể thay đổi, giá cổ phiếu mà họ nắm giữ có thể tăng trở lại trong tương lai.
4. Nhà đầu tư có thể làm gì để điều chỉnh hành vi của mình?
+ Xây dựng phương pháp định giá chứng khoán hợp lý
+ Kiểm soát các yếu tố cảm xúc trong đầu tư
+ Nâng cao năng lực của chính mình