Ura Capital

Những nhóm hàng xuất khẩu nào của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mức thuế đối ứng mới của Mỹ?

Thứ Sáu, 04/04/2025
uracapital

Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, được công bố vào sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam, đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều ngành hàng xuất khẩu của nước nhà. Theo đó, từ ngày 5/4/2025, mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Từ ngày 9/4, mức thuế cao hơn sẽ được áp dụng đối với hơn 60 quốc gia, trong đó Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%.

Theo CNBC, Chính quyền Tổng thống Trump tính thuế xuất khẩu đối ứng cho mỗi quốc gia dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương và tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ. Cách tính này nhằm phản ánh sự mất cân bằng trong thương mại, thay vì chỉ căn cứ vào mức thuế danh nghĩa mà các quốc gia công bố.

Theo số liệu từ Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Mỹ đã nhập khẩu 136,6 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam trong năm 2024, với thâm hụt thương mại lên tới 123,5 tỷ USD. Áp dụng công thức của Surowiecki, mức thuế Việt Nam áp với Mỹ được tính là 123,5/136,6 = 90,4% và chia đôi sẽ là hơn 45%.

Công thức tính được đăng trên website của USTR

Trong đó, x là kim ngạch xuất khẩu; m là kim ngạch nhập khẩu; ε là mức độ biến động về nhập khẩu nếu giá sản phẩm thay đổi; φ là mức độ ảnh hưởng lên giá của thuế nhập khẩu.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 19,56 tỷ USD, tăng 16,5%, tương ứng tăng 2,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khoảng thời gian để trên.  

10 nhóm ngành có trị giá xuất khẩu lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2025 bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép các loại; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản và sắt thép các loại. 

Trong đó: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm ngành xuất khẩu lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2025 với tổng trị giá đạt 12,54 tỷ USD, chiếm tới 19,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ chính là thị trường xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này với giá trị đạt 4,33 tỷ USD, tăng 33,7%. 

Điện thoại các loại và linh kiện trong 2 tháng đầu năm 2025 lên 9,21 tỷ USD, chiếm 14% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm mặt hàng này xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: Hoa Kỳ với 1,95 tỷ USD; EU(27 nước) với 1,55 tỷ USD và Trung Quốc với 1,45 tỷ USD.

Ngày 9/4 sắp tới, khi mức thuế đối ứng 46% của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có hiệu lực, có khả năng gây cản trở nghiêm trọng đối với việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này, do tác động tiêu cực đến khả năng sinh lợi, khiến các doanh nghiệp đối diện với tình trạng lỗ nặng khi xuất khẩu.

Những ngành chịu ảnh hưởng

Ảnh hưởng trực tiếp

Gỗ và sản phẩm gỗ: Trong năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 9,1 tỷ USD, tăng 24% so với năm trước. Mỹ tiếp tục duy trì vị trí là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường nội địa chỉ nhập khẩu khoảng 380 triệu USD nguyên liệu từ nước này, tức xuất siêu 9 tỷ USD. Đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu được hưởng mức thuế 0%, trong khi chỉ một phần nhỏ của các sản phẩm ván gỗ phải chịu thuế 8%. Ngược lại, hàng hóa cùng ngành từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu mức thuế từ 20-25%. Như vậy mức thuế cho sản phẩm này có thể tăng từ 0% hiện tại lên đến 20-25% do chênh lệch thuế quan giữa 2 nước.

Hệ quả: Chính sách thuế quan điều chỉnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu xuất khẩu từ đó khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp đặc biệt là các công ty phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ như SAV, ACG, PTB… Những doanh nghiệp này sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn và có thể phải điều chỉnh chiến lược để giảm thiểu rủi ro, tìm kiếm thị trường mới hoặc giảm giá bán sản phẩm.

Hàng dệt may: Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Trong hai tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 tỷ USD hàng dệt may và tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ vẫn ở mức 40%. Trước đó, Việt Nam đã được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch khỏi Trung Quốc (tăng từ 10% lên 18% thị phần tại Mỹ trong giai đoạn 2013-2023) nhưng với mức thuế 46% lần này sẽ đảo ngược xu hướng này, đặc biệt khi mức thuế giữa Trung Quốc và Việt Nam không đủ giúp nước ta duy trì vị thế.

Hệ quả: Doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành như MSH, TNG với tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ lần lượt là 60% và 46% sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự thay đổi trong chính sách thuế quan. Khi giá thành sản phẩm tăng do thuế cao hơn, khả năng cạnh tranh và thị phần của họ tại Mỹ sẽ giảm, dẫn đến giảm lợi nhuận và có thể mất đi một phần khách hàng lớn tại thị trường này.

Thủy sản (Cá tra): Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10,7 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2023 (8,98 tỷ USD). Trong đó, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023. 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ đạt hơn 12 triệu USD, tăng 2182% (tương đương gấp 21 lần) so với cùng kỳ năm trước. Trước đây, cá tra Việt Nam có lợi thế với thuế 0%, với việc áp mới thuế đối ứng 46%, cá tra Việt Nam sẽ bị giảm đáng kể lợi thế về giá so với đối thủ.

Hệ quả: Những doanh nghiệp có mức độ phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Cụ thể, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) hiện là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành chế biến và xuất khẩu cá tra tại Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước. Mỹ là thị trường lớn nhất của doanh nghiệp, đóng góp 51% vào doanh thu xuất khẩu cá tra. Vì vậy, việc áp thuế có thể khiến Vĩnh Hoàn mất thị phần vào tay các đối thủ từ các quốc gia khác, đồng thời dẫn đến sự suy giảm mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận. 

Cà phê: ​Hiện tại, Việt Nam không bị áp thuế xuất khẩu đối với cà phê. Trong trường hợp mức thuế đối ứng 46% của Mỹ được áp dụng, giá xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường này có thể tăng từ khoảng 5.600 USD/tấn lên gần 8.000 USD/tấn. Tuy nhiên, thị trường Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng trên dưới 9% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam, trong khi đó thị trường chủ lực là châu Âu – nơi chiếm khoảng 40-50% lượng xuất khẩu – vẫn giữ ổn định.

Hệ quả: Nếu chính sách thuế được thực thi, khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam tại thị trường Mỹ có thể bị ảnh hưởng ở mức nhất định. Tuy nhiên, do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ tương đối thấp, rủi ro đối với toàn ngành được đánh giá là không đáng kể. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh chiến lược giá, đẩy mạnh các thị trường chủ lực hoặc mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu tác động.

Ảnh hưởng gián tiếp

Bất động sản KCN: Chính sách áp thuế đối ứng lên tới 46% của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đã và đang tạo ra những áp lực đáng kể lên nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN). Đây là hệ quả tất yếu khi xuất khẩu – một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, kéo theo sự điều chỉnh trong chiến lược đầu tư và sản xuất của doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Một trong những ảnh hưởng rõ rệt nhất là sự sụt giảm nhu cầu thuê đất tại các KCN. Việc tăng thuế làm tăng chi phí đầu ra cho doanh nghiệp xuất khẩu, khiến nhiều nhà sản xuất phải cân nhắc việc thu hẹp quy mô hoặc tạm dừng kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

Cùng với đó, giá thuê đất tại các KCN cũng đứng trước nguy cơ điều chỉnh giảm. Khi cầu suy yếu, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp có thể sẽ phải giảm giá thuê hoặc đưa ra nhiều ưu đãi hơn để giữ chân và thu hút khách hàng.

Hệ quả: Thị trường cho thuê đất công nghiệp vốn đang sôi động có thể sẽ chững lại, thậm chí suy giảm trong ngắn hạn, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN như BCM, KBC, SZC…

Dịch vụ vận tải hậu cần logistics: Khi các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu bị gia tăng chi phí do thuế, họ có xu hướng giảm quy mô đơn hàng, trì hoãn mở rộng, hoặc thu hẹp hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ – vốn là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việc này kéo theo nhu cầu vận chuyển quốc tế giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế, từ vận tải đường biển, đường hàng không đến dịch vụ khai báo hải quan, giao nhận hàng hóa và bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hệ quả: Các doanh nghiệp như GMD, HVN... có thể đối mặt với áp lực doanh thu và lợi nhuận sụt giảm do nhu cầu xuất khẩu suy yếu, đặc biệt là các tuyến Mỹ - EU

Ngân hàng: Chính sách áp thuế đối ứng 46% của Mỹ chủ yếu tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu – nhập khẩu. Tuy nhiên, hệ lụy gián tiếp có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng thương mại. Khi xuất khẩu sang Mỹ gặp khó do thuế cao, các doanh nghiệp có thể sẽ giảm tần suất và quy mô giao dịch quốc tế, dẫn đến nhu cầu mua bán ngoại tệ và sử dụng dịch vụ bảo lãnh ngoại hối sụt giảm. BIDV, VCB, CTG, MBB là top các ngân hàng có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cao nhất trong năm 2024. Tuy nhiên, do tỷ trọng giao thương với Mỹ không quá lớn và các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, MBBank có danh mục khách hàng đa dạng cùng khả năng điều chỉnh linh hoạt nên rủi ro hoàn toàn có thể kiểm soát.

Thép: Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hơn 100 nền kinh tế có hiệu lực từ ngày 9/4/2025, trong đó Việt Nam chịu mức thuế nhập khẩu lên đến 46%, tuy nhiên Mỹ loại trừ các mặt hàng thép, nhôm, đồng, vàng ra khỏi thuế đối ứng. Thép và nhôm đã chịu thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại thì sẽ không phải chịu thuế đối ứng. Như vậy, mặt hàng thép chỉ chịu thuế 25% và mặt hàng nhôm là 10% theo mục 232.

Hệ quả: Việc được miễn khỏi thuế đối ứng 46% giúp mặt hàng thép tránh được cú sốc lớn về giá và sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và xuất khẩu thép như HPG, HSG, NKG trong ngành sản xuất và xuất khẩu thép sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế mới này.

Tuy nhiên, do Việt Nam vẫn đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường thép Việt Nam có thể chịu tác động gián tiếp từ biến động giá thép thế giới, đặc biệt nếu các quốc gia khác chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường ngoài Mỹ, tạo áp lực cung – cầu khu vực.

TRUNG TÂM PHÂN TÍCH URA CAPITAL

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Thứ Ba, 29/04/2025
-
uracapital

Mỹ mời Việt Nam sang họp khởi động đàm phán trong tuần này

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, phía Mỹ đã mời đoàn công tác...

Thứ Hai, 28/04/2025
-
uracapital

Vàng miếng SJC giảm xuống dưới 120 triệu đồng/lượng

Trong phiên giao dịch hôm nay (28/4), thị trường vàng trong nước chứng kiến đà giảm ở...

Thứ Hai, 28/04/2025
-
uracapital

Infographics: Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt 128.512,9 tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 cả nước ước giải ngân được 128.512,9...

0
Gọi ngay cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gửi email cho chúng tôi
Cửa hàng