Theo các nguồn tin thân cận, chính quyền Trung Quốc đang đánh giá khả năng điều chỉnh chính sách kiểm soát tiền chất hóa học được sử dụng trong sản xuất fentanyl – một động thái được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề nối lại tiến trình đàm phán thương mại song phương với Hoa Kỳ. Đây được xem là bước đi mang tính chiến lược, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Wang Xiaohong (Vương Tiểu Hồng) – Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đồng thời là nhân vật chủ chốt người phụ trách an ninh của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành các cuộc khảo sát không chính thức về những yêu cầu cụ thể từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan đến việc siết chặt kiểm soát chuỗi cung ứng các tiền chất hóa học. Các loại hóa chất này hiện được sản xuất với quy mô lớn bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, phân phối qua nền tảng trực tuyến và bị chuyển giao cho các tổ chức tội phạm tại Mexico và các quốc gia khác, trước khi bị điều chế thành fentanyl và tuồn vào thị trường Mỹ.
Một trong những phương án đang được Bắc Kinh xem xét là cử trực tiếp ông Vương – nhân vật cấp cao trong Quốc Vụ Viện đến Mỹ hoặc gặp gỡ các đại diện phía Washington tại một quốc gia thứ ba, nhằm thiết lập lại các kênh đối thoại chính thức. Tuy vậy, các cuộc thảo luận nội bộ vẫn đang diễn ra, và Trung Quốc được cho là đang theo dõi sát sao thái độ của Tổng thống Trump đối với vấn đề thương mại, kỳ vọng về một lập trường linh hoạt hơn từ phía Mỹ để tạo dư địa cho hợp tác.
Động thái điều chỉnh lập trường về vấn đề fentanyl xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với áp lực kép: vừa phải gánh chịu hậu quả từ xung đột thương mại với Hoa Kỳ, vừa vật lộn với các thách thức nội tại kéo dài như cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, nguy cơ giảm phát, và sự suy giảm niềm tin của khu vực hộ gia đình cũng như khối doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù ban lãnh đạo do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc đối đầu dài hạn với Mỹ và duy trì chính sách củng cố quyền kiểm soát tập trung đối với nền kinh tế và xã hội, các áp lực kinh tế ngày càng gia tăng đang buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm các biện pháp giảm nhiệt căng thẳng, đặc biệt trong quan hệ thương mại với Washington. Tín hiệu này cho thấy một sự thay đổi nhất định trong định hướng chiến lược của Trung Quốc, từ đối đầu sang thận trọng điều chỉnh để bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, trong tuyên bố ngày 2/5, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đang xem xét khả năng nối lại đàm phán với Hoa Kỳ nhằm tìm giải pháp kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều năm. Bắc Kinh đồng thời nhấn mạnh kỳ vọng rằng chính quyền Tổng thống Trump cần “thể hiện thiện chí” trong tiến trình đối thoại. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định việc Mỹ dỡ bỏ các mức thuế trừng phạt là điều kiện tiên quyết để tiến tới các cuộc đàm phán có ý nghĩa.
Theo WSJ