Một số dòng xe ô tô nhập khẩu có thể sẽ được giảm giá mạnh trong thời gian tới, khi Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) lên tới 50%. Theo đề xuất mới, thuế suất đối với các mã HS 8703.23.63, 8703.23.57 và 8703.24.51 sẽ giảm từ mức 45% và 64% xuống còn 32%.
Cụ thể, mã HS 8703.23.63 bao gồm các dòng xe thể thao và xe có khoang hành lý chung, sử dụng hệ dẫn động bốn bánh, dung tích xi lanh từ trên 2.000 cc đến 2.500 cc. Mã HS 8703.23.57 áp dụng cho các xe sedan có dung tích xi lanh trong cùng khoảng, trong khi mã HS 8703.24.51 liên quan đến các loại xe khác cũng sử dụng hệ dẫn động bốn bánh.
Chính sách này dự kiến sẽ được áp dụng đối với các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam chưa ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương – bao gồm cả Hoa Kỳ.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu đề xuất giảm thuế được triển khai, ngân sách nhà nước có thể thất thu khoảng 8,81 triệu USD (tương đương gần 220 tỷ đồng), dựa trên kim ngạch nhập khẩu ô tô áp dụng thuế MFN trong năm 2024. Tuy vậy, mức giảm thu này có khả năng không quá lớn nếu lượng xe nhập khẩu từ các quốc gia thuộc nhóm MFN gia tăng nhờ ưu đãi thuế mới, thay thế dần lượng xe đến từ khu vực ASEAN.
Ông Nguyễn Quốc Hưng – Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Chính sách Thuế, Phí và Lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều biến động phức tạp và khó lường về địa chính trị, kinh tế, thương mại và thuế quan, những thay đổi này đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với một số nhóm hàng hóa nhằm bảo đảm sự hợp lý, hài hòa trong chính sách thuế; yêu cầu hoàn tất trong tháng 3 năm 2025.
Ngày 11/9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Trong Tuyên bố chung, hai nước đã cam kết thúc đẩy mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ song phương. Tuy nhiên, do hai bên hiện vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại tự do vào về cắt giảm thuế quan, nên Mỹ vẫn là quốc gia chịu thuế MFN khi xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam. Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN lần này, khiến hàng hóa từ Mỹ được thưởng lợi đáng kể.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) từ 5% xuống 2%; mặt hàng Ethane: bổ sung mặt hàng Ethane vào Chương 98 với thuế suất 0%...
Việc đề xuất giảm thuế MFN đối với một số nhóm hàng không chỉ là một giải pháp kỹ thuật trong điều hành chính sách thuế, mà còn cho thấy sự linh hoạt và chủ động của Việt Nam trong việc thích ứng với những biến động phức tạp của kinh tế toàn cầu. Đây là bước đi phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đồng thời thể hiện nỗ lực thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các đối tác chiến lược như Hoa Kỳ – đặc biệt trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo: Báo Người Lao Động