Giá tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng thứ hai liên tiếp, trong khi tình trạng giảm giá từ phía sản xuất ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang.
Theo đó, CPI tháng 3 đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, duy trì tình trạng giảm giá sau khi đã giảm 0,7% trong tháng 2, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia công bố vào ngày 10/4. Tuy nhiên, CPI lõi - loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng tăng 0,5%, phục hồi từ mức giảm 0,1% trong tháng 2, mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng 0,6% trong tháng 1.
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 3 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 29 liên tiếp, sau khi giảm 2,2% trong tháng 2. Đây cũng là mức thấp nhất trong 4 tháng, sâu hơn mức dự báo giảm 2,3% mà các chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của Reuters.
“Chúng ta có thể sẽ thấy sự phân hóa giữa giá tiêu dùng và giá sản xuất” ông Tianchen Xu, nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, cho biết, đồng thời cho rằng giá tiêu dùng cơ bản có dấu hiệu phục hồi, trong khi giá sản xuất có thể tiếp tục xấu đi do sự gián đoạn thương mại. “Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang phải cạnh tranh trong một thị trường toàn cầu thu hẹp” ông nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%, từ mức 104%. Vài giờ trước đó, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế 84% đối với hàng hóa Mỹ.
“Với cam kết chính sách gần đây nhằm hạn chế việc cắt giảm giá mạnh và các chiến lược bổ sung để khuyến khích chi tiêu hộ gia đình, CPI dự kiến sẽ có thêm dấu hiệu phục hồi trong những tháng tới” Trong khi đó, áp lực giảm giá từ phía sản xuất có thể sẽ kéo dài, do sự bất ổn về giá dầu và nhu cầu bên ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại vẫn còn tiếp diễn, ông Bruce Pang, phó giáo sư tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, nhận định.
Sau khi dữ liệu được công bố, đồng nhân dân tệ (CNY) trong nước dao động gần mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, ở mức 7.3469 CNY/USD, sau khi đã chạm mức yếu nhất kể từ năm 2007 trong phiên giao dịch trước đó. Đồng nhân dân tệ offshore giảm 0,23% xuống còn 7.3611 CNY/USD.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục tăng 1,6%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 3,9% trong bối cảnh phục hồi chung của các thị trường châu Á.
Vào tháng Ba, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày báo cáo công tác hàng năm, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm tới, khi Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.
Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ, Bắc Kinh đặt tiêu dùng lên ưu tiên cao như vậy, theo Laura Wang, chiến lược gia cổ phiếu Trung Quốc của Morgan Stanley. Cô cho biết báo cáo công tác của chính phủ đã đề cập đến “tiêu dùng” 27 lần - nhiều nhất trong một thập kỷ. Để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vào tháng Ba đã tăng gấp đôi mức trợ cấp cho chương trình đổi hàng tiêu dùng lên 300 tỷ nhân dân tệ (41,47 tỷ USD) trong năm nay. Các khoản trợ cấp này sẽ chiếm khoảng 15% đến 20% giá mua các sản phẩm chọn lọc, bao gồm điện thoại thông minh tầm trung và các thiết bị gia dụng. Đây là một sự mở rộng so với chương trình 150 tỷ nhân dân tệ của năm ngoái, dành cho một loạt sản phẩm hạn chế hơn.
Trung Quốc cần tập trung nhiều hơn vào cầu trong nước, do khả năng có “các cú sốc mới” đối với cầu ngoại quốc, ông Shen Danyang, trưởng nhóm soạn thảo Báo cáo công tác Chính phủ và giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Hội đồng Nhà nước cho biết.
Theo CNBC