Chiến lược đại dương xanh được coi là chiến lược sống còn giúp doanh nghiệp định vị vị thế, tồn tại trên thị trường. Nếu áp dụng hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tạo ra thị trường độc quyền và thu được lợi nhuận từ nó.
1. Đại dương xanh và Chiến lược đại dương xanh là gì?
Đại dương xanh là khoảng trống thị trường, không có sự cạnh tranh hoặc nếu có thì cạnh tranh không đáng kể.
Chiến lược đại dương xanh là chiến lược phát triển và mở rộng thị trường mà tại đó ít hoặc không có đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp đi theo chiến lược này cần tìm ra, theo đuổi thị trường chưa có doanh nghiệp nào từng làm trước đó hoặc có sự cạnh tranh không đáng kể.
2. Đặc điểm của thị trường đại dương xanh
- Chiến lược tập trung vào đối tượng chưa từng là khách hàng:
Thị trường đại dương xanh sẽ nỗ lực thu hút khách hàng mới, kể cả những người chưa từng sử dụng sản phẩm.
- Tạo ra thị trường không có sự cạnh tranh để phục vụ:
Doanh nghiệp của đại dương xanh ít hoặc không có đối thủ cạnh tranh. Bạn là người chiến thắng duy nhất trong thị trường. Giả sử có doanh nghiệp bắt đầu hoạt động theo hướng của bạn, họ khó có thể đuổi kịp nếu chiến lược của doanh nghiệp bạn đúng đắn.
- Nơi mà sự cạnh tranh không còn liên quan:
Tại thị trường này, các đối thủ không thể sao chép ý tưởng của doanh nghiệp bạn để biến nó thành câu chuyện thành công lần thứ hai, thứ ba… Ý tưởng cốt lõi của chiến lược đại dương xanh chính là “tạo ra giá trị cao ở mức chi phí thấp”.
- Tạo ra - nắm giữ nhu cầu mới:
Chính bạn là người cung cấp những giá trị khác biệt, hữu ích để thu hút khách hàng – những người chưa bao giờ có ý định sử dụng sản phẩm của công ty.
- Sự cân bằng của chi phí và giá trị bị phá vỡ:
Với chiến lược đại dương xanh, bạn có thể cùng lúc tạo ra giá trị cao và đảm bảo chi phí thấp. Tổ chức phải nghiên cứu mọi ngóc ngách của quy trình, cắt giảm những chi phí không cần thiết. Bất cứ thứ gì không tạo ra, đóng góp ít giá trị sẽ bị loại bỏ, cắt giảm ngay.
3. Ví dụ về chiến lược đại dương xanh
Hãy cùng tham khảo 2 ví dụ về việc doanh nghiệp đã sử dụng thành công chiến lược đại dương xanh.
+ iTunes - trình đa phương tiện từ hình ảnh, phát thanh internet, video, âm nhạc... được phát triển bởi Apple.
Ý tưởng lần đầu tiên bởi thực trạng chia sẻ file nhạc bất hợp pháp. Năm 2003, Apple ra mắt iTunes để cung cấp danh sách các bài hát riêng lẻ và có chiến lược định giá hợp lý. Ứng dụng này giúp khách hàng loại bỏ sự khó chịu khi họ có thể mua lẻ bài hát thay vì phải mua toàn bộ CD.
Ngay sau đó, Apple cùng bảo vệ các công ty thu âm – bảo vệ bản quyền mà không gây bất tiện cho người dùng. Hiện tại, iTunes chiếm khoảng 60% thị trường tải nhạc số toàn cầu.
+ Canon - Một tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản thành công trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm về máy photocopy, máy in, sản phẩm về hình ảnh, quang học...
Công ty đã áp dụng chiến lược đại dương xanh ở việc tạo ra một thị trường ngành công nghiệp máy photocopy để bàn. So với các đối thủ cạnh tranh và chính bản thân Canon cũng đang sản xuất máy copy truyền thống, đối tượng khách hàng nhắm đến là nhà quản lý bộ phận mua thiết bị văn phòng, họ có nhu cầu mua máy kích thước lớn, nhanh, bền, có dịch vụ bảo trì.
Tuy nhiên, Canon đã kịp thời nhắm đến đối tượng khách hàng khác rất tiềm năng – những thư ký. Họ tạo ra máy photocopy để bàn, nhỏ gọn, đầy đủ chức năng phục vụ nhu cầu sử dụng của nhóm khách hàng từng bị bỏ qua. Canon đã thành công mở khóa giá trị, tạo ra không gian thị trường mới không bị kiểm soát.