Các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump đang truyền đi những thông điệp không đồng nhất, liên quan đến khả năng đàm phán về mức thuế quan mới được công bố, đồng thời coi động thái này như một bước “thiết lập lại” cần thiết đối với trật tự kinh tế toàn cầu và giảm nhẹ lo ngại về biến động thị trường tài chính.
Tổng thống Trump vốn được biết đến là một người giỏi thương lượng và từng nhiều lần thể hiện thiện chí đàm phán về thuế quan. Tuy nhiên, các tuyên bố mới nhất từ các cố vấn kinh tế hàng đầu lại làm tăng thêm sự không rõ ràng về khả năng giảm nhẹ thuế quan này.
Tuần trước, tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế tối thiểu 10% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, và mức thuế cao hơn sẽ áp dụng cho 60 quốc gia được cho là “gây tổn hại nghiêm trọng nhất” cho thương mại Mỹ. Mức thuế phổ quát 10% đã có hiệu lực từ ngày 5/4, trong khi các mức thuế điều chỉnh cao hơn dự kiến áp dụng từ thứ tư (9/4) tuần này.
Theo các quan chức Mỹ, hiện đã có hơn 50 quốc gia liên hệ với Nhà Trắng nhằm đàm phán giảm bớt thuế quan. Trước đây ông Trump từng tạm hoãn thuế quan để mở đường cho đàm phán, tuy nhiên, Bộ trưởng Lutnick khẳng định lần này sẽ không có việc hoãn hay lùi thời điểm áp thuế, bởi mục tiêu chính là điều chỉnh lại hệ thống thương mại toàn cầu. Ông cũng nhấn mạnh Tổng thống Trump rất nghiêm túc với kế hoạch này.
Trong khi đó, vào tối 6/4, Tổng thống Trump cho biết ông đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các nhà lãnh đạo thế giới và lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn liên quan tới vấn đề thuế quan. Ông để ngỏ khả năng đàm phán nếu các quốc gia có động thái rõ ràng nhằm giảm thâm hụt thương mại với Mỹ.
CNN cho biết: Chính quyền tổng thống Trump đang trong tích cực thảo luận với Israel, Việt Nam và Ấn Độ về khả năng thiết lập các thỏa thuận thương mại riêng biệt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến sẽ gặp Tổng thống tại Nhà Trắng để thảo luận trực tiếp.
Khi đề cập cụ thể đến khả năng Mỹ gỡ bỏ thuế đối với Việt Nam, cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro cho biết, chính quyền Mỹ hiện chưa xem đây như một cuộc đàm phán thông thường. Thay vào đó, ông coi đây là một vấn đề cấp thiết cần giải quyết do tình trạng thâm hụt thương mại quá lớn. Ông Navarro nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng lắng nghe, nhưng các nước cần cam kết ngừng những hoạt động như thao túng tiền tệ hay bán phá giá hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng không đưa ra thông điệp rõ ràng về khả năng giảm thuế. Bộ trưởng Bessent nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump đang tạo ra đòn bẩy tối đa cho Mỹ, đồng thời bác bỏ khả năng các vấn đề thuế quan có thể được giải quyết nhanh chóng trong vài ngày hay vài tuần.
Elon Musk, một cố vấn có tầm ảnh hưởng lớn đối với Tổng thống Trump, bày tỏ hy vọng sẽ đạt tới tình trạng “không thuế quan” giữa Mỹ và châu Âu, qua đó thiết lập một khu vực thương mại tự do giữa châu Âu và Bắc Mỹ
Các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump đã cố gắng giảm nhẹ tình trạng bất ổn kinh tế đang diễn ra trên thị trường tài chính Mỹ. Chỉ số Dow Jones vừa ghi nhận hai phiên giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3 năm 2020. Ông Navarro kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ bình tĩnh, không hoảng loạn trước biến động thị trường.
Trong bối cảnh các nhà kinh tế ngày càng lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Bessent cho rằng suy thoái không phải là điều tất yếu. Ông nhấn mạnh mục tiêu của chính quyền hiện tại là xây dựng những nền tảng kinh tế dài hạn vững chắc cho sự thịnh vượng. Các nhà phân tích từ Goldman Sachs cho rằng chính sách thuế quan của ông Trump sẽ gây tổn hại lâu dài cho nền kinh tế, ngay cả khi các chính sách tài khóa hiện tại của ông đang thúc đẩy tăng trưởng. Bộ trưởng Nông nghiệp Rollins thừa nhận khả năng hỗ trợ cho nông dân nếu thuế quan sẽ gây ra thiệt hại kéo dài, tương tự như các gói cứu trợ từng được triển khai trước đây.
Theo CNN