Chính sách tài khóa là một trong số các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng trong việc ổn định và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Hãy cùng URA Capital tìm hiểu về khái niệm chính sách tài khóa và vai trò của chính sách này đối với nền kinh tế.
1. Khái niệm chính sách tài khoá?
Chính sách tài khóa (Fiscal policy) là các biện pháp can thiệp của Chính phủ đến hệ thống thuế và chi tiêu của Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm hoặc ổn định giá cả và kiểm soát lạm phát.
2. Công cụ của chính sách tài khoá
- Công cụ thuế:
Thuế là một khoản phí bắt buộc mà một cá nhân hoặc tổ chức phải nộp cho nhà nước. Vì thuế là khoản thu vào nên thuế sẽ tác động lên tổng cầu theo chiều trái ngược nhau:
+ Khi thuế tăng thì thu nhập của người dân sẽ giảm, từ đó dẫn đến giảm chi tiêu tiêu dùng và kéo theo tổng cầu giảm, GDP cũng giảm theo.
+ Ngược lại, khi thuế giảm sẽ thúc đẩy người dân chi tiêu, mua hàng hoá sử dụng dịch vụ nhiều hơn, cùng với đó, tổng cầu tăng kéo theo GDP tăng.
- Công cụ chi tiêu của Chính phủ:
Chi mua hàng hoá và dịch vụ. Sự gia tăng khoản chi tiêu này của Chính phủ làm tăng sức mua của người dân, từ đó đẩy nhanh sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự cắt giảm quy mô chi tiêu Chính phủ lại có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chi chuyển nhượng là khoản trợ cấp của Chính phủ cho những đối tượng chính sách. Chi chuyển nhượng tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua việc ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng cá nhân. Khi chi chuyển nhượng tăng làm tiêu dùng cá nhân tăng lên và từ đó gia tăng tổng cầu.
3. Các khuynh hướng của chính sách tài khoá
Chính sách tài khóa trung lập: Là chính sách cân bằng ngân sách, có nghĩa là chi tiêu Chính phủ bằng với nguồn thu từ thuế (G=T). Lúc này, chính sách có tác động trung tính lên các hoạt động kinh tế.
Chính sách tài khóa mở rộng: Là chính sách tăng cường chi tiêu của chính phủ (G>T) thông qua việc mở rộng chi tiêu hoặc giảm bớt nguồn thu thuế hoặc có thể kết hợp cả hai. Chính sách này thường được áp dụng khi chính phủ muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm.
Chính sách tài khóa thu hẹp: Là chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ (G<T) thông qua việc giảm bớt chi tiêu hoặc tăng nguồn thu của chính phủ hoặc có thể kết hợp cả hai. Chính sách này sẽ làm tổng cầu giảm, dẫn đến thu nhập quốc dân giảm, giảm tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
4. Vai trò của chính sách tài khóa trong nền kinh tế vĩ mô
Trong nền kinh tế vĩ mô, chính sách tài khoá là công cụ giúp Chính phủ điều tiết nền kinh tế thông qua chính sách chi tiêu mua sắm và thuế.
Với điều kiện bình thường, chính sách tài khoá được sử dụng để tác động vào tăng trưởng kinh tế.
Tại thời điểm nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái (hoặc phát triển quá mức mục tiêu), chính sách tài khoá trở thành công cụ đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng.
5. Độ trễ trong phát huy hiệu quả chính sách tài khoá
Chính sách tài khoá được ban hành và áp dụng trễ hơn so với diễn biến của thị trường tài chính, Chính phủ cần thu thập dữ liệu báo cáo trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó mới thống kê lấy dữ liệu thống kê làm căn cứ đưa ra những quyết định, ban hành những chính sách phù hợp.
Hơn nữa, sau khi chính sách ban hành cũng cần một khoảng thời gian để đến được người dân.