Tổng thống Donald Trump sắp công bố một đợt thuế quan được xem là lớn nhất từ trước đến nay. Mặc dù các chi tiết chính về đợt thuế quan này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng có một điều chắc chắn: Một số đối tác thương mại sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn những đối tác khác.
Vào ngày 2/4 theo giờ Mỹ, tổng thống Trump sẽ công bố các mức thuế quan “có đi có lại” với những quốc gia áp thuế lên hàng hóa Mỹ hoặc có các chính sách mà Nhà Trắng cho là rào cản thương mại không công bằng. Tổng thống Donald Trump gọi đây là “ngày giải phóng” và là một “ngày trọng đại” đối với nước Mỹ.
Kế hoạch áp thuế mới của chính quyền ông Trump dự kiến sẽ làm gia tăng bất ổn bởi nhiều yếu tố quan trọng trong kế hoạch như: số lượng quốc gia bị ảnh hưởng, cách tính thuế đối với từng nước, và quốc gia nào sẽ chịu tác động nặng nề nhất vẫn chưa được làm rõ. Trong khi đó, ông Trump cho rằng thuế quan đối ứng này là chìa khóa để thiết lập lại mối quan hệ kinh tế của Mỹ với phần còn lại của thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business vào ngày 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent đã nhắc đến danh sách "Dirty 15". Theo CNBC, ông Bessent ám chỉ đến 15% các quốc gia chiếm phần lớn giao dịch thương mại với Mỹ. Những quốc gia này đang áp dụng mức thuế quan cao và các rào cản phi thuế quan khác đối với hàng hóa Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn sau đó vài ngày, ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, tiết lộ chính quyền ông Trump đang xem xét 10 đến 15 quốc gia chiếm phần lớn thâm hụt thương mại hàng nghìn tỷ USD của Mỹ.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy vào năm 2024, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn nhất với Trung Quốc, tiếp theo là Liên minh châu Âu, Mexico, Việt Nam, Ireland, Đức, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Italy, Thụy Sĩ, Malaysia, Indonesia, Pháp, Áo và Thụy Điển.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong một thông báo nhằm lắng nghe ý kiến công chúng như một phần của cuộc đánh giá các hoạt động thương mại không công bằng, liệt kê 21 nền kinh tế mà họ “đặc biệt lưu tâm”. Danh sách bao gồm nhiều quốc gia trong nhóm G20 cũng như “các nền kinh tế có thâm hụt thương mại hàng hoá lớn nhất với Mỹ” bao gồm: Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Nga, Arab Saudi, Nam Phi, Thuỵ Sỹ, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Việt Nam.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu không phải là điều xấu, mà thực chất chỉ phản ánh nhu cầu trong nước đối với các hàng hoá có thể được cung cấp với giá rẻ hơn từ các quốc gia khác.
Chính sách thuế quan sắp tới sẽ tiếp nối một loạt các loại thuế quan mà ông Trump đã công bố trước đó, bao gồm thuế quan bổ sung 20% đối với hàng hoá Trung Quốc, thuế quan áp lên hai nước láng giềng Canada và Mexico vì không tuân thủ thỏa thuận USMCA, thuế quan đối với thép và nhôm, và gần đây nhất là thuế quan đối với ô tô và linh kiện nhập khẩu. Ông Trump từng cho biết Mỹ sẽ áp dụng thêm nhiều loại thuế quan khác đối với các ngành công nghiệp cụ thể, bao gồm cả dược phẩm.
Theo CNBC