Quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc áp mức thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là một quyết định rất đáng tiếc. Nó không chỉ tác động trực tiếp đến mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia, mà còn gây ra những lo ngại về sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam với vai trò là một mắt xích quan trọng.
Mức thuế được đề xuất trên cơ sở thông tin cho rằng Việt Nam áp thuế 90% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, con số này cần được xác minh một cách khách quan và cần có các cuộc trao đổi thẳng thắn, minh bạch trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trên thực tế, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các cam kết thương mại quốc tế, bao gồm các nghĩa vụ trong khuôn khổ WTO và các hiệp định thương mại song phương, đa phương.
Chính sách thương mại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, có sự linh hoạt cao, bởi các quyết định hành pháp thường phải chịu sự tác động và điều chỉnh từ Quốc hội, doanh nghiệp, cũng như dư luận trong nước.
Việc công bố mức thuế mới có thể xem là một bước đi mang tính chính trị và chiến lược đàm phán, chứ chưa chắc đã là một quyết định cuối cùng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức thương mại Mỹ, những đối tác quan trọng có mối quan hệ lâu dài với Việt Nam, có thể sẽ lên tiếng phản đối vì chính họ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định này.
Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP… mở ra cơ hội giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro từ sự phụ thuộc vào một nguồn duy nhất. Đây là một chiến lược dài hạn đúng đắn, giúp Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Với vai trò là nền kinh tế tuân thủ luật chơi toàn cầu, Việt Nam có quyền tham gia vào các kênh đàm phán song phương và đa phương, qua đó bảo vệ quyền lợi của mình trong các tình huống thương mại khó khăn.
Khi đối mặt với thách thức từ chính sách thương mại của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể nhìn nhận đó là cơ hội để tái cấu trúc và nâng tầm chuỗi giá trị. Điều này có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang tăng cường nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành một nền kinh tế sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, thay vì chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa giá trị thấp.
Mặc dù dòng vốn FDI có thể gặp khó khăn trong thời gian ngắn, nhưng sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã tạo ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Họ không chỉ đóng góp vào việc tạo ra việc làm, mà còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện công nghệ và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sự sáng tạo và khát vọng phát triển của các doanh nghiệp này cũng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và sự đa dạng hóa ngành nghề, giúp Việt Nam giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn vốn và thị trường nước ngoài.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế trong nước trở thành ưu tiên hàng đầu. Các biện pháp kích thích kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả, với sự tập trung vào đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng thị trường nội địa và thúc đẩy tiêu dùng.
Cùng với đó là sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam. Ngay trong sáng ngày 3 tháng 4, chỉ ít giờ sau tuyên bố áp thuế từ phía Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp khẩn của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành liên quan. Thủ tướng đã yêu cầu đánh giá toàn diện tác động – gồm cả trực tiếp và gián tiếp, cả trước mắt và lâu dài, cả tích cực và tiêu cực – tới kinh tế, thương mại, việc làm và tâm lý thị trường, đồng thời chỉ đạo xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt. Đồng thời, thủ tướng cũng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Lịch sử kinh tế Việt Nam đã từng trải qua nhiều cú sốc – từ cấm vận, khủng hoảng tài chính, thiên tai, dịch bệnh cho đến những thay đổi chính sách bất ngờ từ đối tác lớn… Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ này, nếu năm đầu tiên chịu tác động của đại dịch COVID-19, năm 2022 là cuộc xung đột ngay tại châu Âu, năm 2024 là siêu bão Yagi thì ngay đầu năm 2025 là cú sốc thuế. Nhưng mỗi lần như vậy, chúng ta đều đứng vững, và thậm chí vươn lên mạnh mẽ hơn. Trên tất cả, Việt Nam vẫn luôn lựa chọn con đường hòa bình, hợp tác, đối thoại.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Báo Điện tử Chính phủ