Fed giữ nguyên lãi suất, dự báo 2 đợt giảm trong năm 2025
Sau hai ngày thảo luận chính sách, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định duy trì lãi suất tham chiếu ở mức 4,25-4,5%. Đây là lần thứ 2 liên tiếp cơ quan này giữ nguyên lãi suất từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia thị trường nhận định rằng, sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng khiến Fed lựa chọn tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất này.
Gần đây, các chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ đã tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế, không chỉ trong nước mà còn đối với các đối tác thương mại toàn cầu. Đặc biệt, việc áp thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và các nền kinh tế lớn khác đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Theo số liệu mới nhất từ Đại học Michigan, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm 10,5% so với tháng trước, xuống còn 57,9 điểm, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 63,2 điểm. Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy 70% người dân Mỹ lo ngại các biện pháp thuế quan của ông Trump sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt, trong khi hơn 50% đánh giá chính sách kinh tế của Tổng thống là thiếu nhất quán.
Việc gia tăng thuế nhập khẩu có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, các biện pháp siết chặt kiểm soát nhập cư trái phép có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong nhiều ngành, trong khi việc cắt giảm biên chế công chức quy mô lớn có nguy cơ gây suy thoái tại một số khu vực.
Với tình hình trên, Fed đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay từ 2,1% về 1,7%. Tỷ lệ thất nghiệp có thể nhích nhẹ lên 4,4%. Trong khi đó, lạm phát Mỹ được dự báo sẽ tăng lên mốc 2,7% chủ yếu do các chính sách thuế quan mới dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong bối cảnh tăng trưởng chững lại, Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất hai lần trong năm nay, với tổng mức giảm 50 điểm cơ bản (tương đương 0,5%). Dù vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell cùng các quan chức cấp cao khẳng định sẵn sàng điều chỉnh chính sách lãi suất theo cả hai hướng, tùy thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô.
Việc Fed giữ nguyên lãi suất có ảnh hưởng gián tiếp đến mặt bằng lãi suất tại Việt Nam. Khi Fed duy trì mức lãi suất hiện tại, chi phí vay tại Mỹ được ổn định, góp phần hạn chế biến động mạnh của dòng vốn toàn cầu. Điều này khiến các nhà đầu tư quốc tế ít có sự điều chỉnh đáng kể trong chiến lược đầu tư tại các thị trường khác, bao gồm Việt Nam. Dù vậy, đối với bối cảnh trong nước, các yếu tố nội tại vẫn đóng vai trò then chốt trong việc định hướng chính sách lãi suất.
Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái quyết liệt nhằm duy trì mức lãi suất hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, ngày 24/02/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện 19/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện các giải pháp giảm lãi suất, thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong việc duy trì một môi trường lãi suất ổn định và hợp lý, nhằm thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Theo đó ngày 06/03/2025, NHNN đã quyết định giảm lãi suất trên thị trường mở thêm 0,25 điểm phần trăm. Trước đó, NHNN đã thực hiện các biện pháp như chào mua giấy tờ có giá kỳ hạn lên đến 91 ngày để bơm thanh khoản dài hạn cho hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, NHNN đã giảm dần lãi suất phát hành tín phiếu từ 4,0% xuống còn 3,1%/năm vào ngày 4/3/2025 và ngừng phát hành tín phiếu từ ngày 5/3/2025. Những động thái này nhằm hỗ trợ các TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thể hiện rõ ràng ý chí duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, thông qua việc kiểm soát lãi suất và hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, nhất là việc công bố lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hoạt động cấp tín dụng của các TCTD để không làm gián đoạn tăng trưởng kinh tế, đồng thời giữ cho mặt bằng lãi suất huy động ổn định và không có sự biến động mạnh.
Nhìn chung, dù quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed có thể tác động đến dòng vốn quốc tế, nhưng các chính sách chủ động của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đóng vai trò then chốt trong việc ổn định lãi suất và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, lãi suất huy động trong nước vẫn duy trì ổn định cho thấy sự linh hoạt và nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ.
PHÒNG PHÂN TÍCH URA CAPITAL