Các quốc gia trên thế giới đe dọa sẽ leo thang chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ làm dấy lên lo ngại về tình trạng giá cả tăng mạnh ở thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Mức thuế quan đối ứng được Tổng thống Mỹ công bố ngày 2/4 theo giờ địa phương dự kiến tạo ra rào cản thương mại cao nhất trong hơn một thế kỷ qua. Theo dự báo từ Rosenblatt Securities “Mức thuế mới có thể làm tăng giá của nhiều sản phẩm đối với người tiêu dùng Mỹ, từ giày thể thao, cho đến iPhone của Apple. Một chiếc iPhone cao cấp có thể có giá gần 2.300 USD nếu Apple chuyển gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng”.
Do những tác động này, các doanh nghiệp đã phải nhanh chóng điều chỉnh. Tập đoàn ô tô Stellantis thông báo sẽ tạm thời sa thải nhân viên tại Mỹ và đóng cửa các nhà máy ở Canada và Mexico. Thủ tướng Canada, ông Mark Carney cho rằng Mỹ đã từ bỏ vai trò lịch sử của mình trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế. “Nền kinh tế toàn cầu hiện nay đã khác biệt hoàn toàn so với trước đây,” ông Mark Carney nói thêm.
Ở các khu vực khác, Trung Quốc cam kết trả đũa đối với mức thuế 54% mà tổng thống Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu từ nước này, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ áp dụng mức thuế 20%. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các quốc gia châu Âu tạm ngừng đầu tư vào Mỹ.
Các đối tác thương mại khác, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Ấn Độ, cho biết họ sẽ hoãn các biện pháp đáp trả, trong lúc tìm kiếm các nhượng bộ. Nhật Bản, một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Mỹ, hiện đang phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng quốc gia” Thủ tướng Shigeru Ishiba phát biểu trước quốc hội.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, các mức thuế này “rõ ràng là một rủi ro đáng kể đối với triển vọng toàn cầu trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ”. “Chúng ta cần tránh những bước đi có thể làm tổn hại thêm cho nền kinh tế thế giới. Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các đối tác thương mại của nước này hợp tác một cách xây dựng để giải quyết căng thẳng thương mại và giảm thiểu sự bất ổn" bà Georgieva chia sẻ.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và cố vấn thương mại Peter Navarro, đã tuyên bố rằng Tổng thống sẽ không lùi bước và các mức thuế này không phải là một chiến lược đàm phán. Tổng thống Trump sau đó lại có vẻ mâu thuẫn với các quan chức này khi cho biết “Các mức thuế mang lại cho chúng ta sức mạnh tuyệt vời để đàm phán. Điều này luôn đúng, tôi đã sử dụng rất tốt trong nhiệm kỳ đầu, nhưng giờ chúng ta đang đưa nó lên một cấp độ mới.”.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ, đồng USD suy yếu, giá dầu giảm mạnh khi các chuyên gia cảnh báo rằng các mức thuế này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Chỉ số Dow giảm gần 4%, mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 6 năm 2020. Chỉ số S&P 500 mất gần 5% trong khi chỉ số Nasdaq giảm gần 6%, mức giảm lớn nhất tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ thời kỳ đại dịch vào tháng 3 năm 2020. Các công ty Mỹ có sản xuất lớn ở nước ngoài cũng chịu thiệt hại nặng nề. Cổ phiếu của Nike giảm 14% và Apple giảm 9%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng các mức thuế này có thể làm tái diễn lạm phát, tăng nguy cơ suy thoái tại Mỹ và làm tăng chi phí cho các gia đình Mỹ thêm hàng nghìn USD. Không dừng lại ở đó, mức thuế này cũng có thể làm mất lòng các đồng minh ở châu Á và ảnh hưởng đến các nỗ lực chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế 24% đối với Nhật Bản và 25% đối với Hàn Quốc trong bối cảnh cả hai quốc gia này đều là nơi có các căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Ông cũng áp thuế 32% đối với Đài Loan trong bối cảnh Đài Loan đang phải đối mặt với sức ép quân sự gia tăng từ Trung Quốc. Trong khi đó, Canada và Mexico, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, không bị áp thuế đối ứng nhưng họ đã phải đối mặt với mức thuế 25% đối với nhiều mặt hàng và giờ đây phải chịu một bộ thuế riêng đối với nhập khẩu ô tô.
Theo Reuters