Tâm lý trong đầu tư chứng khoán đại diện cho tâm lý, hành vi của một nhóm người và trạng thái tâm lý này sẽ ảnh hưởng đến xu hướng giao dịch của họ.
Tâm lý trong đầu tư sẽ chi phối đến sự biến đổi của thị trường như thế nào? Làm thế nào để quản trị tâm lý của nhà đầu tư khi giao dịch? Hãy cùng tìm hiểu Top 4 bẫy tâm lý trong đầu tư chứng khoán qua bài viết dưới đây.
Tâm lý mỏ neo (Anchoring trap)
Bẫy tâm lý mỏ neo là trạng thái mà con người sẽ có xu hướng tin tưởng quá mức vào những suy nghĩ ban đầu của họ.
Hãy tưởng tượng là trong một trận đấu quyền anh, chúng ta sẽ có xu hướng tin tưởng rằng người võ sĩ nào tung ra nhiều cú đấm nhất trong trận chiến sẽ có khả năng chiến thắng nhiều hơn và ta sẽ quyết định đặt cược số tiền của mình vào người võ sĩ này.
Tuy nhiên, trên thực tế, đối thủ của võ sĩ đó lại là người chiến thắng khi anh này đã tung ra những đòn quyết định vào trận chiến cuối cùng. Vì vậy, rõ ràng là những suy nghĩ ban đầu của chúng ta sẽ hoàn toàn vô nghĩa khi đối diện với những thực tế như vậy.
Quay trở lại với vấn đề đầu tư, khi bạn nghĩ rằng một công ty nào đó là một công ty tốt, làm ăn đang rất thành công dựa vào những nguồn thông tin mà bạn có được. Từ đó, bạn sẽ có xu hướng đầu tư vào cổ phiếu của công ty này và mong đợi sẽ thu được nhiều lợi tức trong tương lai. Tuy nhiên, nhận định đối với hoạt động của một doanh nghiệp có thể chỉ đúng ở thời điểm hiện tại, nhưng nó có thể không đúng vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Tâm lý chi phí chìm (Sunk Cost trap)
Tâm lý chi phí chìm là trạng thái nhà đầu tư liên tục rót tiền, đưa ra những quyết định vô lý cho khoản đầu tư của mình mặc dù biết hạng mục đầu tư này không đáng để đầu tư. Tuy nhiên vì có suy nghĩ rằng, mình đã bỏ lỡ tiền vào đây rồi nên không nỡ bỏ đi hạng mục này, kết quả là tiền của họ đã bị bốc hơi mà không đem lại chút lợi nhuận nào cho nhà đầu tư.
Trạng thái tâm lý này cũng giải thích cho lý do tại sao nhiều người vẫn cố xem hết một bộ phim dù biết bộ phim đó rất tệ, hoặc vẫn cố tận hưởng một bữa ăn mặc cho vị của món ăn đó dở tệ hay thậm chí khi đầu tư, họ là vẫn cố chấp giữ hạng mục đầu tư đó dù biết nó không đáng.
Có thể nói bẫy tâm lý chi phí chìm là một cái bẫy khá nguy hiểm khi nhà đầu tư cứ liên tục dẫm một cách mù quáng vào vết xe đổ của mình. Thực tế thì khó để chấp nhận rằng bạn đã thua lỗ hay là các quyết định của bạn đưa ra là sai lầm dẫn đến sự thất bại trong đầu tư hiện nay. Tuy nhiên, khi các danh mục đầu tư của bạn có dấu hiệu bất ổn, nhà đầu tư nên loại bỏ các danh mục ấy càng sớm càng tốt và đặt tiền của mình vào các danh mục có tiềm năng tốt hơn.
Tâm lý thiên kiến xác nhận (Confirmation bias)
Thiên kiến xác nhận là trạng thái nhà đầu tư tin tưởng vào nhận định của bản thân và cố gắng đi tìm thông tin chứng minh cho điều đó.
Ví dụ, bạn nắm giữ cổ phiếu A và hiện đã lỗ 15%. Tuy nhiên, bạn luôn tin rằng công ty A là một doanh nghiệp tốt và giá cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng trở lại. Sau đó, bạn cố gắng tìm kiếm những thông tin, kết quả kinh doanh lạc quan của công ty A để chứng minh cho niềm tin này. Tuy nhiên, giá cổ phiếu luôn vận động trước thông tin. Những dữ liệu được công bố chỉ đại diện cho quá khứ chứ không mang tính kỳ vọng.
Vì thế, một lời khuyên để nhà đầu tư có thể tránh khỏi bẫy tâm lý này đó là đầu tiên, hãy nhận thức được những điều mình nghi ngờ là có xác suất sẽ xảy ra. Nghĩa là khi bạn nghi ngờ rằng cổ phiếu của công ty A đang giảm 15%, điều đó có thể tiềm ẩn rủi ro về sự mất mát tiền bạc của bạn.
Tâm lý sợ bị bỏ lại (FOMO)
Tâm lý sợ bị bỏ lại là trạng thái tâm lý nhà đầu tư nương theo suy nghĩ của đám đông, sợ bị bỏ lỡ cơ hội đầu tư tốt nên đã quyết định mua hoặc bán cổ phiếu của doanh nghiệp đó mà không có sự phân tích và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Kết quả từ quyết định không có sự phân tích và nghiên cứu kỹ lưỡng đó là sự thua lỗ và thất bại, một kết quả khá dễ hiểu khi nhà đầu tư bị cảm xúc chi phối và khó bình tĩnh để xử lý cũng như đối mặt với biến đổi đột ngột của thị trường.
Làm sao để tránh bẫy tâm lý trong đầu tư chứng khoán?
+ Tìm hiểu kỹ về các kiến thức liên quan trước khi quyết định đầu tư.
+ Hiểu rõ về khẩu vị rủi ro của bản thân (tức hiểu được mức độ thua lỗ mà mình có thể chấp nhận).
+ Kiên định đối với danh mục đầu tư của mình.
+ Trở nên linh hoạt trước sự biến đổi của thị trường.
Thị trường chứng khoán là một thị trường khốc liệt, khi chúng ta sẽ không thể nào biết được khi nào thị trường lên, khi nào thị trường xuống. Thế nên sẽ rất quan trọng cho các nhà đầu tư khi họ biết quản trị cảm xúc tâm lý của mình, giữ một cái đầu lạnh nhằm phân tích những biến động đang xảy ra trên thị trường và đưa ra các quyết định hợp lý.